Bất động sản Nam Bắc cùng chững lại
Tại Hà Nội, giá vẫn cao chót vót song lượng giao dịch giảm tới 50%. Tình hình mua bán ở TP HCM cũng không khởi sắc dù nguồn cung phân khúc căn hộ giá trung bình đang lấn lướt dự án cao cấp.
Theo nhiều sàn giao dịch bất động sản, thị trường Hà Nội tháng 7 rơi vào trạng thái trầm lắng, lượng giao dịch giảm 35-50% so với thời điểm cuối tháng 5. Anh Tạ Ngọc Duy, nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc cho hay, một số dự án quanh trục vành đai 3-4 vẫn lác đác có người hỏi nhưng nhìn chung lượng giao dịch rất ít.
Giám đốc một văn phòng môi giới trên đường Láng Hạ thông tin, tình hình mua bán trong hai tháng gần đây chậm hơn hẳn. Khu vực Hà Đông một thời đình đám nay cũng vắng bóng người hỏi mua. Tuy nhiên, giá chung cư ở phía Tây như Xa La, Văn Khê vẫn cao, ở mức 19-20 triệu đồng mỗi m2. Riêng khu vực Văn Phú giá nhích hơn, khoảng 20-20,5 triệu đồng nhưng không có giao dịch thành công trong 2 tháng nay.
Chị Thùy Nga, nhân viên PR của một công ty truyền thông tại Hà Nội tâm sự, gia đình chị thuê trọ ở phố Vương Thừa Vũ đã 4 năm nay, mong ước có một căn hộ khoảng 50 m2 nhưng tích góp gần chục năm nay vẫn chưa đủ tiền. "Khi thị trường lên cơn sốt, giá tăng chóng mặt không thể mua được đã đành. Nhưng đến lúc địa ốc đã trầm lắng, giá vẫn trên trời. Không biết bao giờ giá đất mới hạ nhiệt để mình đủ tiền mua nhà đây!", chị Nga than.
Tại TP HCM, nguồn cung dự án căn hộ giá trung bình đang lấn lướt các dự án cao cấp. Thống kê của hệ thống sàn địa ốc Vinaland, Sacomreal, VietRess trong tháng 7, hơn 90% các dòng sản phẩm căn hộ và đất nền tại thị trường TP HCM không có biến động về giá. 10% các sản phẩm còn lại có giao dịch nhẹ và chỉ tăng giảm ở biên độ 0,3-0,5%, tức tăng giảm giá khoảng 300.000-500.000 đồng mỗi m2.
|
Khách hàng khảo sát thị trường bất động sản trong tháng 7. Ảnh: Vũ Lê. |
Theo khảo sát quý II của CBRE, nguồn cung căn hộ bán trên thị trường tăng 3.455 căn với 6 dự án hoàn thành. Trong số 17 dự án được đưa ra chào bán, có đến 11 dự án thuộc phân khúc bình dân với giá từ 600-900 USD mỗi m2. Chỉ có 2 trong số 17 dự án này là căn hộ hạng sang.
Báo cáo quý II của Savills thì cho biết, hầu hết các giao dịch tập trung ở phân khúc nhà ở bán bình dân có diện tích 60-80 m2 và khung giá được ưa chuộng nhất là 600-800 USD mỗi m2. Trên thị trường sơ cấp, lượng căn hộ bán đang tăng 24% so với quý I, tổng nguồn đang là 11.200 căn hộ các loại. Nguồn cung bùng nổ tại các địa bàn quận: Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, Thủ Đức và quận 2,7.
Theo dự báo của các đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản, số lượng các dư án được chào bán sẽ tiếp tục tăng vào nửa cuối năm nay. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các sản phẩm căn hộ được tung ra trên thị trường và mang lại cho người mua nhiều cơ hội lựa chọn.
Giới kinh doanh địa ốc hai miền Bắc Nam tin rằng, tháng 7 là bước chạy đà và thị trường hứa hẹn sẽ khởi sắc trong vài tháng tới. Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phúc Đức, Lâm Văn Chúc cho rằng nguyên nhân cơ bản bởi nguồn cung căn hộ giá mềm TP HCM đang ngày càng dồi dào. Chỉ trong nửa cuối tháng 7, các dự án có giá 11-15 triệu đồng đang trở thành có giao dịch trở lại dù vị trí xa khu trung tâm.
Bất động sản ở các quận vùng ven như 6, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh đang có nhiều tiềm năng bùng nổ mạnh mẽ hơn các quận trung tâm cũ (1, 3) và mới (2, 7). Bởi các quận ven Sài Gòn đang dần hoàn thiện hạ tầng, đô thị hóa nhanh và quỹ đất dồi dào nên giá mềm trong khi khu trung tâm đang khan hiếm quỹ đất và giá đắt gần gấp đôi.
Phó giám đốc Công ty Vinaland Nguyễn Xuân Lộc cho hay, thông thường đầu mùa mưa giao dịch nhà đất có dấu hiệu giảm sút so với mùa nắng. Tuy nhiên, do nguồn cung căn hộ tại TP HCM đang tập trung đánh mạnh vào dòng sản phẩm bình dân giá rẻ nên nhịp độ của thị trường không bị chùng xuống như mọi năm. Điều này cho thấy dòng chảy chủ đạo của thị trường bất động sản tháng 7 đang đi vào quỹ đạo phục vụ phần lớn khách hàng an cư, mua để ở, có khả năng chi trả theo tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, thị trường bất động sản Hà Nội đang diễn biến khá phức tạp vì chịu tác động mạnh từ cơn sốt hồi tháng 5. Cơn sốt đã qua song giá bất động sản đã lên quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.
Tháng 8 khi nghị định 71 có hiệu lực, tình hình thị trường sẽ đi vào ổn định hơn do loại bỏ được tình trạng bán lúa non. Bởi lúc đó, chủ dự án chỉ được huy động vốn không quá 20% tổng số lượng nhà trong dự án mà không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản, chuyên gia này nói.
Còn Anh Tạ Ngọc Duy, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc lạc quan, vào khoảng tháng 10, chung cư sẽ có dấu hiệu khởi sắc bởi nhiều dự án gấp rút hoàn thành chào mừng đại lễ. "Đặc biệt vào tháng 8, phân khúc cho thuê cũng sẽ lấy lại phong độ do nhiều học sinh sinh viên tỉnh ngoài lên Hà Nội thuê nhà", anh Duy nói.
Hoàng Lan - Vũ Lê |