Chi phí làm ô tô Việt cao hơn nhiều Thái Lan, doanh nghiệp cần “bảo hộ vừa đủ” để cạnh tranh?
Tin đăng ngày: 16/1/2020 - Xem: 561
Chi phí làm ô tô Việt cao hơn nhiều Thái Lan, doanh nghiệp cần “bảo hộ vừa đủ” để cạnh tranh?
Dân trí Nhóm công tác ô tô - xe máy của VBF cho biết, chi phí sản xuất xe ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan và Indonesia.
Chi phí sản xuất xe ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2019) diễn ra sáng nay (10/1), Nhóm công tác ô tô - xe máy của VBF đã chỉ ra nguyên nhân khiến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia.
Nhấn để phóng to ảnh
Chi phí sản xuất xe ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan và Indonesia (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, theo Nhóm công tác, những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp ô tô trong những năm qua.
Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập hoàn toàn khu vực ASEAN vào năm 2018, khi mà thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) về 0%, Nhóm công tác ô tô - xe máy nhận thấy, còn một số khó khăn đối với xe sản xuất trong nước (CKD).
Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp. So với Thái Lan và Indonesia chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5.
“Điều này làm cho chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao. Do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện CKD để sản xuất ô tô. Điều này dẫn đến các chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu”, Trưởng Nhóm công tác ô tô – xe máy nhấn mạnh tại diễn đàn.
Mặt khác, theo đại diện nhóm này, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng không phát triển được do sản lượng thấp. Các yếu tố bất lợi kể trên làm cho chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Indonesia. Hiện nay, chi phí sản xuất xe ô tô sản xuất tại Việt Nam cao hơn khoảng 10%-20% so với Thái Lan và Indonesia.
Đáng lưu ý, theo đại diện Nhóm công tác, trước năm 2018, khi thuế xuất nhập khẩu xe từ các nước ASEAN còn ở mức cao, xe sản xuất trong nước còn có khả năng cạnh tranh được so với xe nhập khẩu.
“Nhưng từ 2018 khi không còn bảo hộ, thuế suất ASEAN của xe CBU về 0% thì xe CKD không thể cạnh tranh được so với xe CBU. Điều này là rất khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô trong việc duy trì sản xuất tại Việt Nam”, đại diện nhóm nhấn mạnh.
Cần bảo hộ vừa đủ để có thể cạnh tranh được
Trước tình hình nêu trên, Nhóm công tác đã đưa ra một loạt đề xuất để gỡ khó khăn.
Cụ thể, đại diện nhóm này kiến Chính phủ sớm ban hành các chính sách rõ ràng kịp thời để hỗ trợ.
Theo đó, các chính sách về thị trường cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh.
“Thứ hai, các chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD và xe CBU dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch với tất cả các nhà sản xuất xe và phù hợp với thông lệ và thực tiễn quốc tế. Chính sách hỗ trợ cũng cần bao gồm cả việc duy trì một tỷ lệ cân bằng giữa xe CKD và xe CBU”, đại diện Nhóm công tác ô tô - xe máy nêu.
Cùng với đó, cũng cần các chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất linh kiện trong nước và tăng cường nội địa hóa.
Liên quan đến chính sách thuế đối với ô tô, Nhóm công tác cho biết hiện các bộ ban ngành đang thảo luận về việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dành cho các nhóm ô tô.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Nhóm công tác cho rằng, chính sách về ưu đãi thuế TTĐB nên theo hướng “bảo hộ” vừa đủ cho xe CKD để có thể cạnh tranh được với xe CBU.
Đồng thời bình đẳng về cơ hội được hưởng ưu đãi cho tất cả các nhà sản xuất xe; không tạo ra mức biến động lớn trên thị trường (ví dụ: tâm lý chờ đợi của khách hàng khi có thông tin thay đổi thuế…).