Cuộc sống hiện đại, con người phải chấp nhận sự náo nhiệt, ồn ào, bụi bặm của xã hội và môi trường Ngay cả trong ngôi nhà của mình, không ít người vẫn phải gắng chịu những sôi động của một gia đình với tiếng ti vi, tiếng trẻ khóc hoặc đơn giản là sự nóng nảy của người chồng hay lời mè nheo của bà vợ. Thế nhưng, có một nơi mà ở đó được coi là chốn riêng tư nhất: Phòng tắm- khu vệ sinh! Chính vì thế, có người định nghĩa “phòng tắm là một trong số ít nơi chúng ta có thể tạm xa lánh thế giới xung quanh và ở một mình”.
Sống với... thiên nhiên
Nhu cầu vệ sinh là tất yếu của con người từ xa xưa. Vệ sinh thì luôn gắn liền với việc sử dụng nước.
Ngược dòng thời gian, có thể thấy rằng việc này thường được thực hiện rất... thiên nhiên. Với quần cư nông thôn làm nông nghiệp, nơi đó có thể là cánh đồng, cầu ao hay ngoài vườn, thậm chí bãi sông... Nguyên do, ngoài yếu tố kinh tế, quan niệm còn do xuất phát từ một nền văn hoá, sản xuất nông nghiệp- gắn liền với đồng ruộng, vườn. Và với phương thức lao động chân tay là chủ yếu, thì sức khoẻ và sức đề kháng của con người khá tốt, không gặp trở ngại gì nhiều với việc vệ sinh ngoài trời, thiên nhiên như vậy.
Ảnh: Ngọc Thành
Thời gian trôi qua, dần dần không gian vệ sinh đó được kéo lại gần nhà hơn, tất nhiên là do nhu cầu sạch cao hơn và cũng là nhu cầu tiện dụng hơn.
Dẫu vậy, khu vực này vẫn độc lập tách khỏi ngôi nhà chính. Với lối kiến trúc truyền thống thì việc kéo sát không gian này vào nhà là không thể.
Thường thì cùng với bếp, khu vực vệ sinh cách một khoảng sân, có thể gần giếng hay bể nước mưa, được quây hay xây cất tối đơn giản. Và hai không gian xí- tắm vẫn luôn tách biệt nhau. Tắm được ưu ái một chút, còn không gian cho xí thì gian nan hơn nhiều...
Có lẽ do quan niệm đó là một việc mất vệ sinh, chỗ đó là nơi bẩn và cũng bởi kỹ thuật không có gì khác ngoài việc chôn lấp tự nhiên, nên khu vực xí nhiều nơi vẫn chẳng có... để cho người ta lại tiếp tục với phương thức như ...thiên nhiên.
Một thời “Công trình phụ”
Quá nhiều người, có đến vài thế hệ, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam đã quen với cảnh xếp hàng ở các nhà vệ sinh công cộng mỗi buổi sáng.
Điều đó gây nên cả một sự ám ảnh về tâm lý, với một mong ước bình dị nhất, đơn giản nhất là có một không gian vệ sinh theo đúng nghĩa: Đảm bảo vệ sinh, kín đáo và riêng tư.
Nhưng với quan niệm cũ, cùng nền kinh tế lạc hậu, kỹ thuật xây dựng chưa phát triển thì điều đó như một phần tất yếu của lịch sử đô thị. Nhà vệ sinh công cộng ở những khu tập thể xây dựng cho cán bộ công nhân viên, ở trong nhiều khu phố, ở các ký túc xá sinh viên...
Có thể tới đây không ai xây nhà vệ sinh công cộng nữa, nhưng những khu vệ sinh công cộng vẫn đã và đang tồn tại và phải tồn tại, bởi nếu không thì người ta biết vệ sinh ở đâu?
Những khu tập thể mới xây dựng đã đưa nhà vệ sinh vào trong mỗi căn hộ, và được gọi với cụm từ rất “khiêm tốn”: Công trình phụ.
Đôi khi, công trình được nhấn mạnh với cụm từ: Công trình phụ khép kín. Khép kín có nghĩa là không phải chung chạ với ai, không phải chờ đợi ai ngoài những thành viên trong gia đình.
Cái gọi là công trình phụ này dẫu còn xấu, còn chưa sạch sẽ và tiện nghi lắm nhưng được là của riêng mình đã là hạnh phúc lắm rồi.
Nơi tận hưởng cuộc sống
Sự thay đổi mạnh về kinh tế là tác động đáng kể tới thị trường xây dựng ở cả góc độ kỹ thuật và đầu tư. Những ngôi nhà do người dân tự xây dựng mọc lên ngày càng nhiều và chất lượng xây dựng cũng được cải thiện đáng kể.
Chuyện đó là bình thường, bởi bỏ đồng tiền của chính mình ra để xây nhà cho mình, nên sự chăm chút cho không gian sống là tất yếu.
Từ đây, nhận thức hoàn toàn thay đổi. Nhà vệ sinh hay công trình phụ không còn là phụ nữa. Nó đã được quan tâm đúng mức và đầu tư xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ quan trọng của nó, kể cả ở những căn hộ chung cư cao tầng.
Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu vệ sinh theo đúng nghĩa, là nơi xử dụng nước- nhà vệ sinh trở thành một không gian đặc biệt, một không gian để thư giãn và hưởng thụ.
Dù ở đâu đó vẫn còn những công trình phụ tối tăm, ẩm thấp và kém vệ sinh thì quan niệm về không gian chức năng này đã khác nhiều. Mong muốn về một phòng vệ sinh tiện nghi, sạch sẽ, đẹp trong ngôi nhà là một mong muốn chính đáng.
Không còn là một phòng chức năng vệ sinh đơn thuần nữa, không gian này đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kiến trúc nhà ở mà ở đó chốn riêng tư người ta có thể tận hưởng và thư giãn.
4 cặp đối lập song hành
Trong thiết kế phòng tắm hiện đại các kiến trúc sư đã chỉ ra 4 cặp đối lập song hành khi thiết kế phòng tắm.
- Phụ và chính.
- Rộng và hẹp
- Khô và ướt
- Trong và ngoài
Theo các nhà thiết kế, khi và chỉ khi có sự thống nhất trong các cặp song hành kể trên, thiết kế phòng tắm mới mang lại hiệu quả thẩm mỹ và sử dụng cao nhất.
KTS Ngọc Lam (Công ty Kến Xanh) nhận định: Nhà tắm luôn là nơi tôi quan tâm đầu tiên dù là ở nhà mình hay nhà khác. Màu sắc trong không gian này theo tôi nên sẫm và có xu hướng trầm ấm để tạo sự thư giãn, làm nổi bật con người vốn là chủ thể của không gian.
Phong thuỷ với khu vệ sinh
Phong thuỷ hiện đại cũng đề ra những đặc thù riêng cho khu vệ sinh, khác với những quan niệm cũ và nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của khu vệ sinh tương đương với hệ thống cửa và bếp trong ngôi nhà đương đại.
a- Nhất vị nhị hướng
Trong bài trí không gian hợp phong thuỷ, có được vị trí phù hợp thì sẽ dễ dàng xoay chuyển hướng và bố cục.
Theo nguyên tắc toạ hung thì khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, các hướng bất lợi về khí hậu và phối hợp được ngũ hành, âm dương. Ví dụ, hướng Bắc thuộc ngũ hành Thuỷ, hướng Tây và Tây Bắc thuộc hành Kim, do Kim sinh Thuỷ nên những hướng này phù hợp đặt khu vệ sinh vốn thuộc Thuỷ.
Về mặt khí hậu, các hướng này có nhiều nắng gắt và ở cuối hướng gió (so với hướng chủ đạo của nước ta là Nam và Đông Nam) nên khu vệ sinh đặt tại đây sẽ vừa giúp đón được bức xạ nhiệt giúp luôn khô ráo lại vừa không gặp phải gió đột ngột khi mới tắm xong.
Thậm chí, khi nhà có mặt tiền là hướng Tây có thể đưa phòng tắm lên lầu ra phía trước nhằm tạo nên không gian đệm che bớt nóng nực. Tất nhiên, cách đặt này cần lưu ý phòng vệ sinh không “đè” lên trục cửa ra vào chính hay đi đường ống thoát nước xuống cạnh các chỗ ngồi trang trọng trong phòng khách.
Việc xem xét hướng đặt phòng vệ sinh cũng cần chú ý đến hướng mệnh trạch của gia chủ. Dân gian gọi đó là cách “dĩ độc trị độc” để hung gặp hung hoá cát, đặt khu vệ sinh vào vị trí xấu sẽ hợp hơn là đặt vào vị trí tốt.
b- Vài điều kiêng kỵ.
Một số sách và truyền tụng dân gian có thêm những lời khuyên mang tính kiêng kỵ khi bố trí khu vệ sinh. Có thể lý giải điều đó dưới góc độ khoa học và kiến trúc như sau:
- Tránh đặt khu vệ sinh trên đầu bếp, hoặc tránh nằm ngủ dưới phòng vệ sinh: khi phòng vệ sinh nằm vào vị trí hung thì dĩ nhiên không gian kề cận cũng nằm trong hệ thống liên quan như đường ống, hộp kỹ thuật, thông thoáng, lối đi... cho nên các phòng vệ sinh trên dưới thẳng hàng nhau thì hợp lý về phương vị hơn. Nếu đưa bếp vào khu có Thuỷ bên trên thì sẽ gặp xung khắc ngũ hành; còn giường ngủ luôn cần toạ cát nên không thể trùng phương vị toạ hung của khu vệ sinh được.
- Kiêng kỵ mở cửa phòng vệ sinh thẳng với cửa chính, lối vào cửa nhà: điều này ngoài ý nghĩa về giữ gìn thẩm mỹ, che chắn tầm nhìn còn liên quan đến trục dẫn truyền khí trong nội thất. Thay vì mở cửa trực xung đối môn như vậy rất dễ gây gió lùa thì có thể đặt bình phong hoặc tạo vách ngăn che chắn nếu như không thể xoay chuyển cửa được.
- Kỵ đặt phòng vệ sinh ngay trung cung của nhà: Vì phần trung tâm của mọi cuộc đất- ngôi nhà vốn thuộc Thổ (khắc Thuỷ), là nơi trang trọng và đòi hỏi sự cao ráo, sáng sủa, thoáng đãng và trang nghiêm nhất (nhà xưa luôn đặt bàn thờ tại trung cung). Nếu đặt phòng vệ sinh tại trung cung thì vừa làm hỏng nội khí của nhà, vừa bất lợi cho khu vệ sinh vì rất khó thông thoáng; đồng thời khu vệ sinh cũng gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các công năng khác.
Vì thế, có thể nói, ngày nay khu vệ sinh- phòng tắm là một công trình phụ nhưng không phụ chút nào! |